Các nghệ sĩ violin chuyên nghiệp chơi solo đều có khái niệm về tiếng đàn riêng của mình, cây đàn biểu hiện ra chính là “giọng hát” của họ. Bởi vậy, đặc biệt là trong thời kỳ của các violinist huyền thoại như Kreisler, Heifetz, Milstein, Menuhin…, khán giả có thể nhận biết tiếng đàn của người chơi violin mà mình yêu thích. Một cây đàn có thể rất hay, rất đắt, nhưng chưa chắc đó đã là cây đàn nghệ sĩ yêu thích. Dưới đây là câu chuyện đặc biệt về “giọng hát” của cây đàn violin.
Dylana Jenson (1961-nay) là một nghệ sĩ violin nổi tiếng. Cô học violin từ năm 2 tuổi và được coi là thần đồng violin. Năm 1978 trong cuộc thi Tchaikovsky, cô từng khiến khán giả đồng loạt vỗ tay kêu gọi trao giải nhất trong khi các thí sinh khác vẫn chưa biểu diễn xong, đến nỗi ban tổ chức đã phải cúp điện để khán giả đi ra. Cuối cùng cô trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên và trẻ nhất nhận được huy chương bạc của một cuộc thi Tchaikovsky.
Tiếng đàn của Dylana trong cuộc thi năm 1978
Sau khi chiến thắng ở cuộc thi Tchaikovsky, vào năm 17 tuổi, Dylana Jenson được một nhà tài trợ cho phép sử dụng một cây đàn Guarneri 1743, và cô đã rất vui mừng khi tìm được cây đàn phù hợp với mình. Không phải vì nó là một cây đàn cổ nổi tiếng, mà là vì nó phát ra được “giọng hát” của cô, giọng hát mà cô mong muốn.
Tuy nhiên vài năm sau, khi sự nghiệp của Dylana Jenson đang rất tỏa sáng, thì nhà tài trợ đòi lại cây đàn khi biết tin cô làm lễ cưới (vì cho rằng Dylana không nghiêm túc với sự nghiệp nghệ thuật). Dylana đã phải vật lộn để tìm nhạc cụ thích hợp cho mình. Đây cũng là lý do chính mà Dylana biến mất trên các sân khấu lớn, và chủ yếu chơi đàn ở các quy mô nhỏ hơn. Cô đã mất nhiều năm trong “thời điểm vàng” để tìm kiếm một cây đàn phát ra âm thanh mà mình thực sự mong muốn.
Điều này tiếp tục hàng chục năm cho đến khi Dylana được Yo Yo Ma (một nghệ sĩ cello nổi tiếng) giới thiệu Samuel Zygmuntowicz. Zygmuntowicz là một luthier tài năng, rất nổi tiếng trong việc làm đàn, sao chép lại đàn của Strad, Guarneri. Việc sao chép này không chỉ dừng lại ở ngoại hình, mà còn ở chất giọng của cây đàn.

Tuy nhiên khi Zygmuntowicz hoàn thành cây đàn đầu tiên mà Dylana đặt hàng, Dylana cảm thấy âm thanh của cây đàn khá “tối” (dark sounding). Cô không hoàn toàn hài lòng với nó, và đã mua thêm một cây Zygmuntowicz từ một người bạn. Cô chơi trên cây Zygmuntowicz thứ 2 này trong vài năm.
Trong khi đó, biết Dylana không hài lòng với cây đàn đầu tiên, Zygmuntowicz đã nhiều lần “năn nỉ” Dylana gửi cây đàn về để ông có thể chỉnh sửa. Cuối cùng cô đã rất hài lòng và mừng rỡ khi nhận lại cây đàn từ Zygmuntowicz. Cây đàn đã đạt được âm thanh mà Dylana mong muốn – mặc dù vẫn còn thiếu một chút gì đó…
Dylana tiếp tục đặt hàng Zygmuntowicz một cây đàn khác và năm 2011 cô nhận được cây đàn này. Tuy nhiên sau khi nhận được đàn, Dylana lại chưa từng mở hộp đàn ra trong nhiều ngày. Cô thật sự không rõ liệu lần này mình có thể hoàn toàn mãn nguyện hay không.
Cuối cùng sau nhiều đắn đo, khi ở một mình, Dylana đã lấy cây đàn ra và chơi thử. Cô đã hoàn toàn bị sốc. Cô cảm thấy “tự do” thật sự, tự do để thể hiện ra “giọng hát” mà mình mong muốn.

Cho đến nay, Dylana vẫn giữ 2 cây đàn mà cô đặt hàng Zygmuntowicz. Thỉnh thoảng cô cũng chơi trên cây đầu tiên để đàn “không cảm thấy bị bỏ rơi”. Cả hai cây đàn đều mang giá trị tinh thần to lớn đối với nữ nghệ sĩ.
Samuel Zygmuntowicz được công nhận là luthier tầm cỡ đỉnh cao của thế giới, được các nghệ sĩ violin tìm đến để đặt làm đàn. Đàn của ông có giá khoảng 50.000$ trở lên. Trong khi đó, cây đàn Guarneri năm nào hẳn là có giá hàng triệu $.
Khi bạn mua một cây đàn cổ, bạn không chỉ mua âm thanh, mà đó còn là một khoản đầu tư có thể sinh lời rất lớn. Nghệ sĩ Aaron Rosand khi nghỉ hưu đã bán cây đàn Guarneri 1741 của mình với giá 10 triệu $. Khi còn trẻ, ông đã từng gắng sức mua lại cây đàn bằng tất cả những gì mình có vì nó là “giọng hát” mà ông mong muốn. Lúc bấy giờ ông phải mua cây đàn với giá 50.000$, và phải làm việc cật lực 7-8 năm để trả hết số nợ mua đàn.
Còn bạn, bạn đã từng mường tượng ra âm thanh mà mình mong muốn khi mua một cây đàn violin?